05 BÀI HỌC CẦN NHỚ KHI BẠN CẢM THẤY MÌNH THẤT BẠI

Người ta thường nói về thất bại như một trải nghiệm trong quá khứ, khi họ đã vượt qua được khoảng thời gian khó khăn và có được thành công như hiện tại. Thế nhưng, ngay tại thời điểm đó, làm thế nào để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực, vực dậy tinh thần để đối mặt với hiện thực trước mắt?

Dưới đây là 05 điều quan trọng bạn cần ghi nhớ khi trải qua thất bại.

1. MỌI HÀNH TRÌNH ĐỀU XỨNG ĐÁNG

Một cuộc khảo sát của Linkagoal trên 1.083 người trưởng thành cho thấy nỗi sợ thất bại chiếm 31%, lớn hơn các nỗi sợ thông thường khác như sợ ma (15%), sợ nhện (30%), sợ ở nhà một mình (9%).

Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại. Đôi khi, nỗi sợ đó quá lớn khiến chúng ta chần chừ, lo lắng để rồi bỏ lỡ cơ hội ngay trước mắt. Nếu bạn đang cảm thấy mình thất bại, điều đó có nghĩa là bạn đã dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, dũng cảm đối diện với khó khăn, thử thách để có được kết quả như hiện tại. Dù không đạt được thành công như mong đợi nhưng hãy luôn nhớ rằng, mỗi hành trình đều để lại những bài học quý giá, và tất cả kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy được sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn trong chặng đường phía trước.

2. ĐỪNG NGHIÊM TRỌNG HÓA VẤN ĐỀ

Khi gặp thất bại, chúng ta dễ cảm thấy thất vọng về bản thân, nghĩ rằng mình không đủ khả năng, còn yếu kém, thậm chí nghiêm trọng hóa vấn đề và cho rằng trong tương lai, mình sẽ không thể thành công trong lĩnh vực tương tự. Những suy nghĩ này chẳng những không giúp ích được gì mà còn khiến bạn bị nhụt chí. Thay vào đó, bạn hãy dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, xác định điểm mạnh để tiếp tục phát huy, biết được điểm yếu cần cải thiện. Hãy xem đó như một bài học để rút kinh nghiệm và nhớ rằng thất bại của hiện tại không quyết định thành công hay thất bại của bạn trong tương lai.

3. NUỐI TIẾC KHÔNG GIÚP BẠN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Khi không đạt được thành công như mong đợi, nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác, hay tự chất vấn bản thân rằng: giá như mình nên làm thế này, đáng lẽ ra mình không nên làm vậy… Thay vì cố gắng tìm lý do để né tránh hiện thực, bào chữa cho hành động của mình, bạn hãy chấp nhận rằng những gì đã qua sẽ không thể thay đổi được và chúng ta không thể kiểm soát mọi việc theo ý muốn.

Những lúc này, điều chúng ta cần làm là dũng cảm thừa nhận sai sót của mình, nghiêm túc suy ngẫm và nhìn nhận lại vấn đề một cách trung thực để tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Tốt nhất là hãy tập trung vào những việc nằm trong tầm kiểm soát của bạn bởi chỉ khi đó, bạn mới có thể thoát khỏi cảm giác bất lực và lấy lại tinh thần để tiếp tục thử thách bản thân.

4. TỰ NHÌN NHẬN LẠI TRÁCH NHIỆM CỦA BẢN THÂN

Khi bạn gặp thất bại, đừng quá tuyệt vọng mà hãy bình tĩnh nhìn nhận lại trách nhiệm của mình. Ví dụ, nếu bạn không được thăng chức, hãy thử xem xét lại liệu khoảng thời gian vừa qua bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình chưa, có nhiệt huyết, chủ động trong công việc không, trong tương lai mình cần cải thiện những gì để nắm bắt cơ hội tốt hơn. Hoặc nếu bạn vừa trải qua một cuộc chia tay, đâu là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt, do bạn chưa hết lòng với đối phương hay do thiếu sự giao tiếp giữa cả hai. Nhìn nhận lại bản thân, thừa nhận sai sót của mình là bước đầu giúp bạn tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề tương tự trong tương lai.

5. NHỮNG LẦN THẤT BẠI ĐƯA BẠN ĐẾN GẦN HƠN VỚI THÀNH CÔNG

Thử nhớ lại những lần làm bài thi trắc nghiệm, có phải bạn luôn cần suy nghĩ một cách logic để tìm ra đáp án đúng nhất giữa những câu tương tự nhau. Hoặc nếu trong trường hợp không chắc chắn, bạn vẫn có thể đoán được đáp án dựa theo phương pháp loại trừ. Cuộc sống cũng giống như vậy. Nếu bạn biết cách tận dụng các bài học có được từ những lần thất bại, bạn sẽ nhận thấy rằng những gì đã trải qua không hề vô ích, ngược lại còn giúp bạn thu hẹp phạm vi, dần nhận ra được đâu là con đường mình nên chọn để tiến gần hơn tới “câu trả lời đúng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *