Thời gian qua, người dân phải thay đổi hình thức mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lợi dụng tình hình đó, nhiều kẻ gian đã giả danh người bán, những kênh uy tín để lừa đảo người tiêu dùng bằng chiêu trò “chuyển cọc trước”.
Đồng thời, nhu cầu mua sắm đồ cũ trong giai đoạn này cũng tăng cao do người dân muốn tiết kiệm chi phí. Điều đó cũng kéo theo việc những kẻ gian bắt đầu chuyển hướng sang thị trường đồ cũ với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trước.
Mục lục
Chuyển trước phí vận chuyển, phí bảo hiểm
Những mặt hàng đồ cũ có giá trị cao nhưng dễ gửi vận chuyển như điện thoại, laptop, những thiết bị công nghệ,… thường chính là những mặt hàng người dùng cần cân nhắc trước khi giao dịch. Thực tế, đây cũng là những mặt hàng mà các đơn vị vận chuyển có thể tính phí bảo hiểm nên người dùng rất dễ mắc bẫy.
Giải mã chiêu trò:
Đa phần kẻ gian sẽ theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử dành cho đồ cũ để tìm kiếm “con mồi”. Những kẻ này lợi dụng những tính năng như đăng tin, cần mua để xác định mặt hàng người mua đang muốn tìm kiếm.
Sau đó, chúng sẽ đăng tải mặt hàng, tạo thông tin giả trùng khớp với tìm kiếm của “con mồi” và tiến hành tiếp cận. Khi tiếp cận thành công, chúng thường sẽ đề nghị thương lượng qua điện thoại trực tiếp hoặc hướng đến một ứng dụng thứ ba.
Đến lúc hoàn tất thương lượng, chúng sẽ đề nghị người mua chuyển trước phí vận chuyển, phí bảo hiểm để gửi hàng. Mặt hàng sẽ được gửi dưới hình thức thu hộ (COD). Đây là một đề nghị hoàn toàn hợp lý cũng như số tiền chỉ dao động từ 100 – 300 nghìn đồng nên người mua thường rất dễ đồng ý.
Sau khi đã nhận được chuyển khoản thì những đối tượng trên sẽ tiến hành xóa mặt hàng, chặn người dùng thậm chí là xóa tài khoản. Người mua lúc này sẽ không thể liên lạc với kẻ lừa đảo trên cũng như không có bằng chứng hay bằng chứng không đủ sức thuyết phục (cuộc gọi trao đổi, lịch sử tin nhắn với tài khoản ảo,…). Người mua lúc này mới nhận ra mình đã bị lừa và tố cáo thì lại không có đủ chứng cứ.
Đặt cọc để “làm tin”
Người mua thường sẽ nhận được đề nghị đặt cọc để “làm tin” với những mặt hàng hoặc đơn hàng có giá trị cao. Khoản đặt cọc này được xem như danh dự, uy tín của người mua về việc không boom hàng, chắc chắn nhận hàng, là khoản phí giữ hàng. Đồng thời cũng là chiêu trò thường gặp nhất của những kẻ lừa đảo.
Giải mã chiêu trò
Đối với chiêu trò này, kẻ lừa đảo thường nhắm vào những người dùng mới, người mua hàng có nhu cầu săn hàng rẻ, cần gấp, nhanh chóng.
Chúng thường sẽ đăng tải những mặt hàng ảo với mức giá rất thấp so với thị trường sau đó chờ đợi “con mồi”. Khi đã có người liên hệ, chúng sẽ tiến hành thương lượng, thổi phồng chất lượng thậm chí giảm giá thêm cho mặt hàng để tạo sự hấp dẫn, kích thích ham muốn sở hữu của người mua.
Sau khi hoàn tất thương lượng, chúng sẽ đề nghị người mua đặt cọc để “làm tin”. Nếu người mua phân vân hoặc có lưỡng lự chúng sẽ thông tin rằng có một người mua khác sẵn sàng mua mặt hàng trên với mức giá cao hơn, do “con mồi” đến trước nên chúng giữ lại. Nếu chần chừ chúng sẽ bán cho người kia và không còn mặt hàng nào “tốt” như vậy nữa. Đa phần người mua vì muốn giữ món hàng mà sập bẫy.
Số tiền đặt cọc cũng dao động tùy vào giá trị mặt hàng, đơn hàng thực cũng như mong muốn sở hữu mà người mua thể hiện. Mức “cọc” này thường sẽ là một mức dễ dàng chấp nhận.
Qua đó, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học trong việc trao đổi, mua đồ cũ. Chúng ta nên chủ động tìm kiếm mặt hàng nếu không quá thực sự cần thiết. Nên kiểm tra thông tin của người bán, độ uy tín của mặt hàng thông qua đánh giá thực (nếu có). Cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân (số điện thoại, email, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng,..) cho bất cứ ai. Trong quá trình trao đổi nếu nhận thấy có bất thường nên lập tức ngừng giao dịch và tiến hành báo cáo với nền tảng mà mình sử dụng. Đặc biệt, người mua tuyệt đối không nên chuyển khoản trước dù với bất cứ lý do gì.
Dù rằng số tiền lừa đảo trong một vài trường hợp là không quá lớn nhưng nếu nhiều người bị lừa cùng một thủ đoạn thì con số trên sẽ không hề nhỏ. Cũng như việc chúng ta không báo cáo, tố giác chính là đang gián tiếp tiếp tay cho những kẻ gian tiếp tục thực hiện hành vi của mình. Qua đó chúng ta có thể thấy thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ngày một tinh vi, khó phát hiện và không để lại bằng chứng. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng hơn dù mặt hàng cũ hay mới; cần theo dõi, cập nhật thông tin liên tục để biết những chiêu trò mới của kẻ gian, bảo đảm cho quyền lợi của mình.