Cuộc sống của mỗi người là khác nhau, tùy vào góc độ mà họ dùng để nhìn nhận thế giới. Bởi thế mà có nhiều người luôn vui vẻ, lạc quan; cũng có rất nhiều người buồn khổ, tiêu cực. Dù là ai, thì trải qua một trận đại dịch, Covid khiến cho cuộc sống thường nhật bị đảo lộn, bắt buộc mọi người phải thích nghi. Cũng chính là lúc, họ nhận ra những giá trị mà bấy lâu nay những tưởng tầm thường hóa ra lại xa xỉ đến thế!
“Nào rãnh hẹn nhau nhé…!”
Cái rãnh này có khi là đôi ba ngày, có khi vài tuần, khi lại vài tháng, có khi lại chẳng có khi nào cả. Trong cuộc sống thường nhật, những câu hẹn như vậy thường được nói ra, có thể ngay tại thời điểm đó, chúng ta đã nghĩ sẽ gặp lại nhau nhưng rồi công việc, gia đình, học tập, biết bao vòng xoáy khác lại vô tình cuốn chúng ta đi. Chỉ để lại hai từ “khi rãnh”.
Nhưng rồi đại dịch ập đến, Covid đã thực sự chứng minh cho chúng ta thấy sinh mệnh thật ra rất mong manh. Chỉ cần một khoảnh khắc thôi, người bên cạnh đã không còn nữa. Chiếc hẹn “khi rãnh” ngày nào bỗng lại trở thành nuối tiếc, phải chi chúng ta hẹn nhau sớm hơn, một ngày cụ thể, gần nhất, chứ không phải bỏ ngõ rồi lại quên đi. Đó mới thấy, mới trân trọng hơn những cuộc gặp mặt bạn bè, người thân quen thuộc,.. mới biết hai từ “khi rãnh” đắt giá cỡ nào.
Có phải người xưa cũng có câu:
“Đôi khi lỡ hẹn một giờ
Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm”
Điều gì là “thiết yếu”?
Đó có phải ăn ngon? Hay ước muốn mặc đẹp? Là một sự nghiệp vang dội hay những chuyến đi dài? Những điều ngày thường chúng ta theo đuổi, liệu có thực sự “thiết yếu”? Tiền tài, danh vọng, những thứ xa hoa kia có thực sự quan trọng?
Covid bùng phát cũng cướp đi rất nhiều thứ của con người, trong đó có sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Cũng chính nhờ đó, chúng ta mới biết, chúng ta có thể tồn tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn chật vật. Chúng ta mới biết bản năng sinh tồn của mình một khi bùng cháy có thể mãnh liệu tới đâu. Miễn còn sức khỏe, chúng ta còn tồn tại. Điều “thiết yếu” nhất chúng ta có, cũng là thứ chúng ta luôn bỏ quên, phải chăng là chính sức khỏe của bản thân mình. Từ đó, mới trân trọng mới quan tâm đến bản thân hơn, loại bỏ dần những thói quen độc hại, sống đơn giản hơn, sống lạc quan và tích cực, biết “đủ” với những gì mình đang có.
“Người láng giềng gần”
Ông bà ta có câu:
“Bà con xa không bằng láng giềng gần”
Covid bất ngờ ập đến đến mà không hề báo trước. Có kịp để chuẩn bị, để đối phó, để đưa ra kế hoạch nào đâu. Trong khi việc thực hiện chuỗi giãn cách kéo dài lại kéo theo cuộc sống nhiều người rơi vào chật vật, hết tiền, hết gạo, không biết cầu cứu ở đâu. Chính lúc này, những người “láng giềng gần” lại là người giang đôi tay ra mà đỡ đần, chia sẻ.
Những người hàng xóm ngày thường tuy hơi khó tính, bây giờ cũng trở nên hiền hậu. Mọi người chia sẻ cho nhau ít cây rau, ít con cá, gửi nhau đôi khi có vài ba quả khế tuy ít mà ấm lòng. Chưa kể đến việc, không thể di chuyển, công việc mà gấp gáp, đồ đạc có vô tình hư hỏng thì cũng bó tay đành chịu. Những “người láng giềng gần” lúc này lại xuất hiện, chia sẻ cho bạn những món đồ cũ, đồ dư mà họ ít dùng đến. Trùng hợp vừa đúng với thứ bạn cần. Đến giờ mới thấy, cần gì tìm kiếm điều gì xa xôi, mới mẻ. Ở xung quanh bạn luôn chứa đựng rất nhiều thứ chỉ là bạn không muốn bỏ công tìm kiếm mà thôi.
Và nhiều hơn nữa, những điều mà mỗi người rồi sẽ nhận ra trong trận đại dịch. Khi Covid trở thành cơn lốc cuốn phăng những lẽ bình thường. Giá trị bản thân, giá trị cuộc sống, những bài học thật đắt rồi sẽ ghi tạc trong lòng mỗi người. Để chúng ta nhận ra, chúng ta đã lãng quên đi nhiều điều quan trọng. Bạn đã nhận ra điều gì trong trận đại dịch này? Bạn có sẵn sàng chia sẻ cùng chúng tôi chứ?