Sự tích Cây khế hay sự tích Ăn khế trả vàng là một câu chuyện dân gian quen thuộc của người Việt. Do tính chất truyền miệng nên những câu chuyện cổ thường xuất hiện rất nhiều biến thể ở những vùng khác nhau. Hôm nay nãy cùng mình khám phá 14 biến thể được lưu truyền của câu chuyện này nhé.
Mục lục
Biến thể 1:
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Khi người anh lấy vợ, người anh không muốn ở chung với em nữa, nên quyết định chia gia tài. Người anh tham lam chiếm hết cả nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho cây khế và cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.
Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường, cành nào cũng trĩu quả ngọt, vàng ruộm. Người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi mừng thầm tính chuyện bán khế lấy tiền đong gạo.
Một hôm, có con chim Phượng Hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế, người em vác gậy đuổi chim và nói. “Này chim! Ta chỉ có duy nhất một cây khế này, và ta đã khó nhọc chăm sóc đến ngày hái quả. Nay nếu chim ăn hết ta chẳng có gì để bán đi mua gạo. Vậy nếu chim muốn ăn hãy mang trả ta vật gì có giá trị”.
Chim vừa ăn vừa đáp: “Ăn một quả, trả cục vàng may túi ba gang, mang theo mà đựng”. Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để chim ăn. Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế. Ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Người em chạy vào nhà lấy chiếc túi ba gang đã may sẵn rồi leo lên lưng chim.
Chim bay mãi, bay mãi qua núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim Phượng Hoàng bảo lấy thêm, người em cũng không lấy. Xong xuôi, người em leo lên mình chim trở về nhà.
Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc… giúp đỡ những người nghèo khổ. Người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt, người em cũng đồng ý đổi cho anh.
Thế là người anh chuyển sang nhà người em. Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, chim Phượng Hoàng lại tới ăn. Người anh giả vờ khóc lóc, chim bèn nói: “Ăn một qủa, trả cục vàng May túi ba gang, mang theo mà đựng”.
Người anh mừng quá, giục vợ may túi không phải 3 gang mà là 12 gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim Phượng Hoàng đưa người anh đi lấy vàng. Vừa đến nơi, người anh đã vội vàng vơ lấy vàng bỏ vào túi, lại còn giắt thêm đầy vàng bỏ vào người. Chim cố sức bay nhưng đường thì xa mà vàng thì nhiều nên nặng quá. Mấy lần chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh vẫn khăng khăng ôm lấy túi. Chim Phượng Hoàng bực tức, nó nghiêng cánh hất người anh tham lam xuống biển.
Biến thể 2:
Một nhà kia có hai anh em, cha mẹ đều chết cả. Hai anh em chăm lo làm lụng, nên trong nhà cũng đủ ăn. Muốn cho vui cửa vui nhà, hai người cùng lấy vợ. Nhưng từ khi có vợ, người anh sinh ra lười biếng, bao nhiêu công việc khó nhọc, đều trút cả cho hai vợ chồng người em.
Hai vợ chồng người em thức khuya dậy sớm, lại cố gắng cày cấy, làm cỏ, bỏ phân, lúa tốt hơn trước, nên đến mùa, được bội thu. Thấy thế, người anh sợ em kể công chiếm lấy phần hơn, vội bàn với vợ cho hai vợ chồng người em ra ở riêng.
Ra ở riêng với vợ, người em được người anh chia cho có một căn nhà tranh lụp xụp, trước nhà có một cây khế ngọt. Hai vợ chồng người em không phàn nàn một lời, hết vào rừng đốn củi đem ra chợ bán, lại đi gánh mướn, làm thuê.
Còn người anh có bao nhiêu ruộng nương đều cho làm rẽ, để ngồi không hưởng sung sướng với vợ. Thấy em không ca thán, người anh cho em là ngu si, lại càng lên mặt, không lui tới nhà em và cũng không để ý gì đến em nữa.
Những ngày sung sướng nhất của hai vợ chồng người em là những ngày khế chín. Quanh năm, hai vợ chồng đã chăm bón và bắt sâu, đuổi kiến cho cây khế, nên cây khế xanh mơn mởn, bóng rợp khắp mảnh vườn nhỏ bé, quả lúc lỉu cả ở những cành là sát mặt đất, trẻ lên ba cũng với tay được.
Một buổi sáng, hai vợ chồng mang quang gánh và thúng bị ra gốc khế, định trèo lên hái quả đem ra chợ bán thì thấy trên ngọn cây rung động rất mạnh, như có người đang trèo. Hai vợ chồng nhìn lên thì thấy một con chim rất lớn đang ăn những quả khế chín vàng. Hai vợ chồng đứng dưới gốc cây xem chim ăn, đợi chim bay đi rồi mới trèo lên cây hái quả. Từ đấy, cứ mỗi buổi sáng tinh mơ, hai vợ chồng ra hái khế, thì đã lại thấy chim ở trên cây rồi. Thấy có người, chim vẫn cứ ăn, ung dung một lúc lâu, rồi mới vỗ cánh bay đi. Chim ăn ròng rã như thế ngót một tháng trời, cây khế vợi hẳn quả.
Một hôm, đứng đợi cho chim ăn xong, người vợ nói nửa bỡn nửa thật với chim: “Chim ơi, chim ăn như thế thì còn gì là khế của nhà tôi nữa! Cây khế nhà tôi cũng sắp hết quả rồi đấy, chim ạ!”. Chim bỗng nghển cổ, nheo mắt như cười, đáp lại: “Ăn một quả, trả cục vàng! May túi ba gang, đem đi mà đựng”. Chim nhắc đi nhắc lại câu ấy ba lần, rồi mới vỗ cánh bay đi.
Hai vợ chồng thấy chim biết nói đã lấy làm lạ, lại thấy chim bảo mình như thế, nhắc lại cho mình đến ba lần, nghe rõ mồn một, nên càng suy nghĩ, phân vân.
Nhưng rồi hai vợ chồng cũng làm theo lời chim. Người vợ lấy vài vuông vải nâu may cho chồng một cái túi, ngang dọc đúng ba gang.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng vừa ăn xong thì thấy một luồng gió mạnh cuốn cả cát bụi trước sân nhà, rồi trong chớp mắt một con chim cực kỳ lớn hạ xuống giữa sân, quay đầu vào nhà kêu lên mấy tiếng như chào hỏi. Người chồng xách cái túi ba gang ra sân, chim nằm rạp xuống, quay cổ ra hiệu cho anh ngồi lên lưng mình. Anh ngồi lên lưng chim, bám vào cổ chim thật chặt. Chim đứng dậy vươn cổ, vỗ cánh bay bổng lên trời xanh. Chim lúc bay cao, lẩn vào mây bạc; lúc bay thấp, là là trên rừng xanh, đồi núi trập trùng. Rồi chim bay ra biển cả mênh mông, sóng biếc cao ngất vật vào sườn những hòn đảo nhỏ, làm tung lên những bọt trắng xóa. Anh ngồi trên lưng chim thấy biển tuyệt mù, không biết đâu là bờ… Thốt nhiên chim bay vào một hòn đảo toàn đá trắng, đá xanh, đá đỏ, đã ngũ sắc, phản chiếu ánh sáng rực rỡ, anh chưa từng thấy bao giờ. Chim bay một vòng thật rộng xung quanh đảo như muốn tìm một nơi hạ cánh, rồi bay những vòng hẹp hơn, là là trên các ngọn đá, lắm lúc anh tưởng như mình sắp bị va vào những tảng đá khổng lồ. Bay đến trước mặt cái hang rộng và sâu, chim từ từ hạ xuống. Ðặt chân xuống đảo, anh nhìn ngó khắp nơi, tuyệt nhiên không thấy một sinh vật nào, không có đến một ngọn cỏ hay một mống chim sâu.
Chim ra hiệu bảo anh vào hang, muốn lấy gì thì lấy. Ở ngay cửa hang, anh đã thấy toàn những thứ đá trong như thủy tinh và hổ phách đủ các mầu; có thứ xanh như mắt mèo, có thứ đỏ ối như mặt trời, còn vàng bạc thì nhiều như sỏi đá. Thấy hang sâu và rộng, anh không dám vào sợ lạc. Anh nhặt một ít vàng và kim cương bỏ vào túi ba gang, rồi trèo lên lưng chim, ra hiệu cho chim bay về.
Chim tỏ vẻ vui mừng, gật gật cái đầu, vươn cổ kêu vài tiếng, rồi vỗ cánh bay lên trời xanh, bay qua biển, qua rừng, qua núi. Mặt trời mới vừa đứng bóng, chim đã hạ cánh xuống cái vườn nhỏ có cây khế ngọt. Người vợ thấy chồng về bình yên, mừng rỡ vô cùng, chạy ra vuốt lông chim, tỏ ý cảm ơn, ra hiệu mời chim bay lên cây khế giải khát. Chim bay lên cây khế ăn một lúc, rồi kêu ba tiếng như chào vợ chồng người nông dân, rồi bay đi. Từ đấy, lâu lâu chim mới lại đến ăn khế.
Tiếng đồn hai vợ chồng người em thốt nhiên giàu có bay đến tai hai vợ chồng người anh. Hai vợ chồng người anh vội vã đến chơi nhà em để dò xét. Nghe em thật thà kể chuyện, người anh gạ đổi hết tài sản của mình để lấy túp lều tranh và cây khế. Hai vợ chồng chỉ lo người em không chịu đổi, không ngờ người em vui vẻ ưng thuận ngay.
Hai vợ chồng người anh mừng rỡ như mở cờ trong bụng, lập tức giao hết tài sản của mình cho em, và sáng hôm sau dọn ngay đến ở túp lều tranh trên mảnh vườn nhỏ có cây khế ngọt. đến ở mảnh vườn chật hẹp, hai vợ chồng người anh không làm việc gì cả. Còn được ít tiền hai vợ chồng đem tiêu dần, cả ngày chỉ nằm khểnh ngoài hè, hí hửng nhìn lên cây khế, chờ chim bay đến. Một buổi sáng, có một luồng gió mạnh tạt vào nhà, rồi hai vợ chồng thấy ngọn cây khế rung chuyển. Hai người hớt hải chạy ra sân, vội nhìn lên cây thì quả nhiên thấy một con chim lớn đang ăn khế.
Chim mới ăn vài quả, hai vợ chồng đã tru tréo lên: “Cả nhà chúng tôi trông vào có cây khế, bây giờ chim ăn tào ăn huyệt như thế thì chúng tôi còn trông cậy vào đâu!”. Chim liền đáp: “Ăn một quả, trả cục vàng. May túi ba gang, đem đi mà đựng”; rồi chim bay vụt đi.
Hai vợ chồng người anh mừng quá, cuống quýt vái theo chim, rồi bàn nhau may túi, cãi cọ om sòm. Mới đầu, hai người định may thật nhiều túi, sau lại sợ chim không đưa đi, nên rút cục cũng chỉ may một cái túi như người em, nhưng may to gấp ba, mỗi chiều chín gang, thành một cái tay nải lớn.
Sáng hôm sau, chim hạ cánh xuống sân trước túp lều tranh. Người anh đang ăn, thấy chim bay đến, bỏ cả ăn hấp tấp chạy ra, tay xách cái túi lớn trèo tót lên lưng chim, còn người vợ vái lấy vái để chim thần. Chim cất cánh bay bổng lên mây xanh, qua núi qua biển cả, rồi cũng hạ cánh xuống cái đảo khi trước.
Trên lưng chim bước xuống, người anh hoa cả mắt về những ánh ngũ sắc ở các loại kim cương và ngọc quý chiếu ra. Ðến khi vào hang, người anh lại càng mê mẩn tâm thần, quên cả đói cả khát, cố nhặt vàng và kim cương cho thật đầy tay nải, lại buộc đầu ống quần và tay áo cho thật chặt rồi nhồi nhét đầy cả hai tay áo và hai ống quần, đến nỗi nặng quá, chàng ta cố kéo lê từng bước mà vẫn chưa ra được khỏi hang.
Chim đợi lâu quá, chốc chốc lại kêu lên vài tiếng vang cả đảo, thúc giục anh chàng ra về. Mãi gần chiều, anh ta mới kéo được cái tay nải đầy vàng và kim cương đến chỗ chim đang đợi. Muốn cho khỏi rơi, anh ta đặt tay nải dưới cánh chim, rồi lấy dây thừng buộc chặt tay nải vào lưng chim và vào cổ mình.
Chim vỗ cánh bay lên, nhưng vì nặng quá, mới bay lên khỏi mặt đất một ít lại sa xuống. Sau chim cố gắng đạp hai chân thật mạnh xuống đất, vươn cổ bay bổng lên. Anh chàng ngồi trên lưng chim khấp khởi mừng thầm, cho là chỉ trong giây phút mình sẽ về đến nhà, sẽ có nhà cao cửa rộng, vườn ruộng khắp nơi, tiêu pha hết đời thật hoang toàng cũng không hết của.
Lúc ấy, chim đã bay trên biển cả. Trời trở gió, những con sóng xám xì cất cao lên bằng mấy nóc nhà. Chim bay ngược gió rất là nhọc mệt, cổ gập hẳn xuống, hai cánh mỗi lúc một yếu dần. Túi vàng lớn thốt nhiên bị gió hất mạnh vào cánh chim. Chim buông xuôi hai cánh, đâm bổ từ lưng trời xuống biển. Chỉ trong chớp mắt, người anh bị sóng cuốn đi, cái túi lớn và những ống quần, tay áo chứa đầy vàng và châu báu dìm anh ta rất mau xuống đáy biển.
Còn chim chỉ bị ướt lông, ướt cánh một lúc, rồi chim lại vùng lên khỏi mặt nước, bay về núi, về rừng
Biến thể 3:
Ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ không may mất sớm. Để lại cho một ngôi nhà nhỏ cùng một cây khế. Thời gian thấm thoát trôi, hai anh em đều lấy vợ. Họ thấy không thể ở chung với nhau được nên đã chia gia tài. Người anh vốn dĩ rất tham lam đã chiếm hết tất cả chỉ chia cho người em một túp lều và mảnh vườn có cây khế ngọt. Nhưng người em cũng không chút phàn nàn, mà chăm chỉ làm ăn.
Đến mùa, nhờ sự chăm sóc của người em. Cây khế bỗng sai quả lạ kì. Hai vợ chồng người em vô cùng mừng rỡ vì nghĩ rằng mình sẽ đem bán khế đổi lấy gạo ăn. Bỗng nhiên, từ đâu bay tới một con chim Phượng hoàng. Nó ăn hết khế của người em. Người em không biết phải làm sao, chỉ biết khóc và van xin chim đừng ăn khế của mình: Chim ơi chim đừng ăn khế của tôi nữa, nếu chim ăn hết khế thì tôi sẽ chết đói mất. Chim thấy thế liền trả lời:
May túi ba gang, mang đi mà đựng
Người em nghe chim nói vậy thì thôi không khóc nữa và nghe theo lời chim, may đúng túi ba gang.
Hôm sau, chim đến bảo người em ngồi lên lưng mình rồi đưa người em bay đi. Bay mãi, bay mãi qua biết bao nhiêu làng mạc, núi đồi, sông suối rồi đến một hoang đảo xa xôi. Chim hạ cánh bảo người em xuống lấy vàng bạc, châu báu mang về. Người em vô cùng kinh ngạc vì chưa bao giờ được nhìn thấy nhiều vàng bạc, châu báu như vậy. mãi ngắm nhìn, người em quên cả việc lấy vàng mang về, mãi đến khi chim giục, người em mới vội vàng lấy mỗi thứ một ít cho vào túi rồi lên lưng Phượng hoàng ra về. Chim thấy vậy bảo người em lấy thêm nhưng người em cũng không lấy vì sợ đường về xa chim sẽ bị mệt. Thế rồi người em cùng chim lên đường trở về nhà.
Từ đó, người em trở nên giàu có và mang tiền của chim chia cho những người nghèo khổ.
Lại nói đến vợ chồng người anh. Họ thấy em trở nên giàu có thì vô cùng tức giận và ghen ghét. Một hôm, người anh sang chơi và đòi người em đổi cho mình lấy cây khế, còn người em lấy hết nhà cửa, ruộng vườn của mình. Người em vui vẻ bằng lòng đổi cho anh.
Năm sau, cây khế cúng sai trĩu quả. Chim Phượng hoàng lại đến ăn khế.
Hai vợ chồng người anh giả vờ khóc lóc van xin chim đừng ăn khế. Chim nói:
Ăn một quả trả cục vàng
May túi ba gang, mang đi mà đựng
Người anh mừng quýnh lên, chạy vội vào nhà may ngay một túi chín gang để đựng được nhiều vàng và ngồi chờ chim Phượng hoàng đến đón đi.
Hôm sau, chim đến đón người anh ra hoang đảo xa xôi. Người anh sung sướng quá lấy thật nhiều vàng bạc, chau báu đầy túi chín gang và nhét hết cả vào người mình mới chịu về.
Đến giữa đường, chim càng bay càng thấy nặng, chim bảo vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng không nghe. Nói mãi, người anh vẫn không chịu, chim cố hết sức cũng không thể bay được nữa. Đến giữa biển, chim tức mình hất người anh rơi xuống, người anh ân hận van xin chim cứu nhưng đã muộn. Chim bay đi còn người anh ôm túi vàng chìm sâu xuống biển.
Biến thể 4:
Xưa có một gia đình nọ, người cha và người mẹ mất sớm để lại hai anh em sống với nhau. Người anh thì bản tính tham lam ích kỉ, người em thì ngược lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn. Khi hai anh em lập gia đình, người anh muốn ra ở riêng. Hắn ta nhận hết tất cả nhà cửa ruộng vườn, chỉ để lại cho người em một mảnh đất nhỏ với một cây khế.
Người em không một lời ca thán, hai vợ chồng dựng lều trên mảnh đất ấy và hết lòng chăm sóc cho cây khế. Trời không phụ lòng người, năm đó cây khế trong vườn rất sai trái, quả nào quả nấy cũng mọng nước và vàng ruộm. Người em phấn khởi chờ đến ngày đem khế đi bán để lấy tiền đong gạo.
Nhưng một hôm, có một con chim lạ rất to từ đâu bay tới ăn khế. Thấy chim ăn trái, người em liền cầm lấy một cây gậy để đuổi chim bay đi. Người em nói:
– Chim ơi, vợ chồng ta chỉ có mỗi cây khế này là tài sản đáng giá. Nay chim đến ăn hết khế của ta rồi, chúng ta lấy gì mà sống.
Bỗng nhiên, con chim cất tiếng nói:
– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Hai vợ chồng người em nghe chim nói tiếng người, cảm thấy vô cùng kỳ lạ, nhưng anh cũng bảo vợ lấy một chiếc áo cũ may chiếc túi ba gang như chim nói.
Hôm sau chim lại tới ăn khế, ăn xong chim bảo người em cưỡi lên lưng. Chim bay đi rất xa, bay qua một ngọn núi cao, qua một vùng biển rộng. Cuối cùng chim đáp lại một hòn đảo hoang chứa đầy vàng bạc và châu báu. Người em lấy đủ số vàng bạc vào chiếc túi ba gang rồi lại cưỡi trên lưng chim trở về nhà.
Từ ngày đó, người em trở nên giàu có, vì tiền bạc nhiều mà ăn cũng chẳng hết, người em lấy một số ra để giúp đỡ những người nghèo trong vùng. Ai ai cũng yêu quý người em vì tính tình tốt bụng lại biết giúp đỡ người.
Người anh thấy người em giàu có bất thường nên mon men sang hỏi chuyện. Người em thực thà kể lại cho anh nghe câu chuyện mình được chim thần chở đi lấy vàng ở hòn đảo nọ. Nghe xong, lòng tham nổi lên, anh ta đòi đổi toàn bộ gia tài lấy mảnh vườn và cây khế của người em. Chiều lòng anh, người em cũng bằng lòng.
Vào mùa năm sau, cây khế vẫn tiếp tục sai trái. Một hôm, chim lại bay tới để ăn khế, vợ chồng người anh giả nghèo giả khổ khóc lóc kêu than, chim bèn nói: “Ăn một qủa, trả cục vàng, may túi ba gang, mang theo mà đựng”
Người anh mừng quá, giục vợ may túi không phải 3 gang mà là 12 gang để đựng được nhiều vàng.
Hôm sau chim thần tới đưa người anh đi lấy vàng. Anh ta bị lóa mắt bởi vàng bạc châu báu trên hòn đảo, nhồi đầy túi rồi, người anh còn cố nhét vàng quanh người. Chim giục mãi anh ta mới chịu leo lên lưng chim để trở về.
Đường thì xa, vàng thì nặng, chẳng mấy chốc chim thần đã thấm mệt. Mấy lần chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng anh ta vẫn khăng khăng ôm lấy túi vàng không chịu buông. Khi bay qua biển, bất ngờ có một cơn gió lớn thổi lên, chim không chịu nổi nữa liền nghiêng cánh. Thế là người anh tham lam cùng túi vàng rơi tòm xuống biển.
Biến thể 5:
Ngày xưa có hai anh em nhà nọ cha mẹ mất sớm để lại cho một ngôi nhà ngói và một số ruộng vườn.
Mấy năm sau, hai anh em đều lấy vợ, không thể ở chung với nhau được nữa. Người anh bèn chia gia tài. Vốn tham lam, người anh giành hết ruộng vườn nhà cửa, chỉ chia cho người em một mái nhà gianh và một cây khế.
Vợ chồng người em hiền lành và cần cù, cày thuê cuốc mướn kiếm sống. Cây khế được vun gốc, bón phân, tưới nước, bắt sâu, ngày một tươi tốt, cành lá sum suê tỏa bóng mát một góc sân.
Mùa hè năm ấy, cây khế ra hoa rồi kết quả. Ngày qua tháng lại, trái khế trĩu cành. Những quả khế to năm cánh bóng mượt, vàng óng dần lên. Vợ chồng người em khấp khởi mừng thầm: tiền bán khế sẽ mua được ít nhiều lúa gạo.
Nhưng một buổi sáng tinh mơ, có con chim Đại Bàng ở đâu bay đến cây khế. Chim ăn hết quả chín này đến quả chín khác. Vợ chồng người em lo lắm, không biết làm thế nào. Cả hai vợ chồng cùng thốt lên lời than:
– Cơ nghiệp vợ chồng tôi chỉ có ngần ấy! Chim ăn hết thì biết trông cậy vào đâu khi ngày ba, tháng tám!
Kì lạ thay, con chim lạ cất tiếng nói:
– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Biết là con chim thần, người vợ may cho chồng một cái túi ba gang. Họ thấp thỏm đợi chờ.
Mấy ngày sau, đại bàng lại bay đến, xòe rộng đôi cánh, rồi đỗ xuống sân. Chim cất tiếng gọi rối rít. Người em mang theo cái túi ba gang, nhẹ nhàng leo lên mình chim, ôm lấy cổ chim. Đại bàng vỗ cánh bay lên cao.
Chim chở người em bay qua những cánh đồng xanh bát ngát, vượt qua những ngọn đồi, dãy núi điệp trùng, bay dọc theo những dòng sông như dải thát lưng xanh xa dài tít tắp. Lúc bay thấp, lúc bay cao lẩn vào những cồn mây trắng như bông. Rồi chim sải cánh vút qua biển rộng, nước xanh biếc một màu mênh mông. Đại Bàng bay mải miết. Người em say sưa và xúc động trước cảnh đất trời mây nước bao la. Đến non trưa, chim lượn ba vòng rồi đậu xuống một hòn đảo lấp lánh giữa biển.
Một cảnh tượng vô cùng kì lạ hiện ra. Cả một kho báu rực rỡ lấp lánh sắc màu. Bạch ngọc, hồng ngọc, ngọc tị trân chân, ngọc lam,… đủ hình dáng to nhỏ. Còn vàng khối thì có không biết bao nhiêu mà kể. Như lạc vào cõi thần tiên, người em chỉ biết say sưa ngắm nhìn gần xa. Và khi nghe chim giục, người em chọn mỗi thứ một ít vàng ngọc bỏ vào cái túi ba gang.
Lại trèo lên mình chim, người em một tay giữ lấy túi vàng, một tay ôm lấy cổ chim. Đại bàng vút bay qua biển rộng sông dài, băng qua những dãy núi đồi, vượt qua những cánh đồng lúa xanh rì… Trước mắt anh, làng cũ thân thuộc đã hiện ra. Đại bàng lượn ba vòng xung quanh cây khế, nhẹ đáp xuống sân. Khi người vợ trẻ chạy ra đón chồng, xách hộ cái túi ba gang đựng đầy châu báu đưa vào nhà, thì đại bàng cũng vút bay lên chín tầng mây xanh.
Vợ chồng người em trở nên giàu có từ đó.
Người anh biết chuyện, đòi đổi nhà cửa ruộng vườn của mình lấy cây khế và mái lều gianh. Mùa khế năm sau, đại bàng lại bay đến ăn quả. Vợ chồng người anh đã chực sẵn bao tháng ngày, vội vàng chạy ra kêu to lên.
Đại bàng cất tiếng:
– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Vợ chồng người anh bàn bạc mãi. Cuối cùng may một cái túi rõ to, rõ dài, một cái túi chín gang. Rồi đại bàng đúng hẹn bay đến chở người anh bay thẳng một mạch đến đảo vàng. Người anh lóa mắt lên trước núi vàng, núi ngọc. Anh ta nhặt và nhét đầy cái túi to. Anh ta còn nhặt nhiều thỏi vàng dắt vào xung quanh cạp quần. Chim giục mãi, anh ta mới chịu trèo lên lưng chim. Chim đập cánh ba, bốn lần mới bay lên được. Khi ra đến giữa biển, gió mạnh thổi lên, chim mỏi quá nghiêng cánh. Cả cái túi vàng nặng trĩu rơi xuống kéo theo kẻ tham lam xuống đáy biển.
Biến thể 6:
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà kia, sau khi mẹ chết đi, họ chung sống thuận hòa dưới một mái nhà với người cha già. Ba cha con làm lụng, cùng lo toan mọi việc trong nhà. Cuộc sống cứ êm ả như vậy cho tới khi người cha qua đời…
Sau khi cha chết, hai anh em chia nhau ra ở riêng. Bị vợ xúi giục, người anh tìm cách chiếm hết mọi tài sản. Hai vợ chồng anh ta chỉ nhường cho chú em một cây khế ngoài vườn. Mặc dù thiệt thòi, nhưng người em vẫn nín nhịn, cứ nhận phần cây khế mà không một lời kêu ca, oán thán.
Đến mùa khế chín, bỗng có con chim rất to từ đâu bay tới, cứ thế đậu trên cây khế, thỏa sức ăn khế chín. Người em tiếc của, ra vườn nhặt đất ném chim định đuổi chim đi. Con chim không những không chịu bay đi, còn tiếp tục ăn khế.
Thấy người chủ cây khế tiếc của, nước mắt ngắn nước mắt dài. Chim vừa ăn khế vừa nói.
– Ăn một quả
Trả cục vàng.
May túi ba gang
Đem đi mà đựng.
Người em nghe chim nói cũng thấy lạ. Nhưng sáng hôm sau, anh vẫn làm đúng theo lời chim dặn, mang túi ba gang may sẵn ra vườn chờ chim. Chim bay đến. Nó nằm ẹp xuống đón anh lên lưng. Sau đó, chim vỗ cánh, đưa anh vượt biển, bay tới một hòn đảo ngoài khơi xa.
Từ trên lưng chim bước xuống, anh ngỡ mình hoa mắt; xung quanh la liệt những vàng bạc, châu báu.
Anh nhớ lời chim dặn, nhặt vàng đầy túi, sau đó lại leo lên lưng chim để chim đưa anh quay về vườn cũ.
Kể từ đó, đời sống của anh thay đổi hẳn. Anh đã đủ ăn, đủ mặc. Anh xây dựng nhà cửa khang trang. Đời sống hàng ngày của anh phong lưu, sung túc.
Người chị dâu thấy thế liền hỏi xem vì sao đời sống anh thay đổi như vậy. Người em cứu thế kể ra hết, từ việc con chim ăn khế, đến việc anh lấy đất ném chim, rồi chim dặn dò những gì, cho tới chuyện ra ngoài đảo xa nhặt vàng bạc, châu báu.
Chị dâu nghe chuyện chim ăn khế trả vàng, liền về bàn với chồng. Hai vợ chồng đến xin chú em cho đổi mọi tài sản của họ lấy cây khế. Người em bằng lòng. Rồi đến mùa khế chín và chim con chim lạ lại bay tới ăn khế. Theo đúng lời chú em kể, người anh cũng ra vườn lấy đất ném chim. Chim vẫn tiếp tục ăn khế chín, và cũng nói như trước đây:
– Ăn một quả
Trả cục vàng.
May túi ba gang
Đem đi mà đựng.
Người anh mừng lắm, vội về cùng vợ may túi, đợi sáng hôm sau chim lạ bay tới cũng đi nhặt vàng. Có điều thay vì may túi ba gang như chim bảo, vợ chồng người anh lại may cái túi quá to, để có thể đựng được nhiều vàng hơn.
Khi túi đã đầy vàng, con chim lạ không sao cõng nổi người anh bay lên. Cố mấy lần mấy lượt, tuy chim vẫn bay lên được, nhưng đôi cánh vỗ cánh rất nặng nề và khó nhọc.
Ra đến giữa biển, chim loạng choạng mấy lần. Người anh vẫn giữ chắc túi vàng, tay bám chặt lấy chim. Chim uể oải, cố sức bay vào đất liền.
Nhưng rồi mệt quá, chim lảo đảo, nghiêng cánh, khiến cho người đang cưỡi trên lưng rơi tòm cả người lẫn vàng bạc, châu báu xuống biển…
Biến thể 7:
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em kia tuy đã cha mẹ mất nhưng họ vẫn ở chung một nhà. Chẳng bao lâu sau người anh lấy vợ. Vợ chồng người anh không muốn ở chung với em nữa, nên quyết định chia gia tài. Người anh tham lam chiếm hết nhà cửa, mộng vườn, trâu bò mà cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn có cây khế ngọt. Vợ chồng người em không chút phàn nàn, vui vẻ chuyển sang ở túp lều. Ngày ngày, hai vợ chồng chăm bón cho cây khế và cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.
Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường, cành nào cũng trĩu quả ngọt, vàng ươm. Vợ chồng người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi mừng thầm, tính chuyện bán cây khế lấy tiền đong gạo.
Một hôm, có chim phượng hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế người em ra ngồi dưới gốc cây vừa khóc vừa nói:
Chim ơi, nhà tôi chỉ có một cây khế này thôi, tôi định bán khế lấy tiền đong gạo. Chim ăn hết thì vợ chồng tôi sống bằng gì? Chim vừa ăn vừa đáp:
Ăn một quả, trả một cục vàng May túi ba gang, mang ra mà đựng. Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để cho chim ăn. Mấy hôm sau chim lại tới ăn khế. Ăn xong chim bảo người em vào lấy túi ba gang đi lấy vàng. Chim đậu xuống đất xoè cánh đỡ người em lên lưng rồi bay vút lên trời. Chim bay mãi, bay mãi, qua núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo ngắm nhìn thoả thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim phượng hoàng bảo lấy thêm, người em cũng không lấy. Xong xuôi, chim lại đưa người em trở về nhà.
Từ đó người em trở nên giàu có. Vợ chồng người em đem thóc gạo, vàng bạc ra giúp đỡ những người nghèo khổ.
Vợ chồng người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi để dò hỏi. Biết em được chim phượng hoàng đưa đi lấy vàng, vợ chồng người anh đòi đổi nhà và ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt của em. Vợ chồng người em cũng vui vẻ đổi cho anh.
Thế là vợ chồng người anh chuyển sang ở nhà của em. Mùa hè năm sau, cây khế lại sai trĩu quả. Chim phượng hoàng lại tới ăn khế. Người anh cũng giả vờ khóc và đuổi chim. Chim bèn nói:
Ăn một quả, trả một cục vàng May túi ba gang, mang ra mà đựng. Người anh mừng quá, giục vợ may túi sáu gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim phượng hoàng đến ăn khế rồi đưa người anh đi lấy vàng. Vừa đến nơi, người anh đã vội vàng vơ đầy túi sáu gang, lại còn giắt thêm đầy vàng vào người. Mãi đến chiều tối, người anh mới chịu ra về. Chim cố sức bay nhưng đường thì xa, vàng thì nhiều nên nặng quá, chim lảo đảo mấy lần suýt nhào xuống biển. Chim phượng hoàng bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh tiếc của cứ ôm khư khư. Chim phượng hoàng bực tức, nó nghiêng cánh hắt người anh tham lam xuống biển cùng với túi vàng của anh ta.
Biến thể 8:
Ngày xửa ngày xưa nhà nọ có hai anh em, người anh thì vô cùng tham lam, người em thì hiền lành chịu khó. Sau khi cha mẹ qua đời người anh lấy vợ ra ở riêng đã vơ vét hết tài sản và chỉ để lại cho người em một cây khế ở góc vườn.
Người em được chia tài sản đã không một lời phàn nàn, dựng túp lều gần cây khế. Hàng ngày, người em chăm bón cây khế và làm thuê kiếm tiền nuôi thân.
Cây khế cứ lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả. Vì vậy người em mừng lắm.
Một hôm, bỗng dưng có con chim lạ từ đâu bay tới cây khế và ăn khế của người em. Thấy vậy người em buồn lòng than thở với chim. Chim lạ đáp lại “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.
Mấy hôm sau như lời hứa chim đến đón người em tới một hòn đảo rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em từ trên cao ngắm nhìn hòn đảo và lấy vàng chỉ đầy túi ba gang rồi cưỡi lên lưng chim trở về.
Người em về nhà dùng số vàng bạc lấy được đổi lấy thóc lúa để giúp đỡ những người khó khăn trong làng.
Thấy vậy, người anh sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình để lấy cây khế của người em. Người em một lần nữa không phàn nàn và đồng ý đổi cho anh.
Năm ấy cây khế cũng sai trĩu quả chim lạ cũng đến ăn. Người anh cũng than thở khóc lóc. Chim đáp lại và hứa mang đi lấy vàng.
Bản chất tham lam, người anh liên bảo vợ may túi sáu gang để đựng được thật nhiều vàng.
Mấy hôm sau chim lạ đến đón người anh và đưa người anh đến hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người anh đã lấy đầy chặt vàng bạc trên đảo vào chiếc túi sáu gang mình mang đi.
Trên đường trở về, vì phải chở nhiều vàng bạc lại bay ngược gió, chim lạ mỏi cánh. Chim giục người anh vứt bớt vàng đi nhưng người anh nhất quyết không nghe.
Chim phượng hoàng bực tức, không chịu nổi sức nặng nó nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển. Thế là hết đời kẻ tham lam.
Biến thể 9:
Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em cha mẹ mất sớm. Đến lúc chia gia tài, người anh cậy thế mình là anh cả chiếm hết mọi tài sản cha mẹ để lại, chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ có cây khế ở cuối vườn.
Người em cặm cụi làm thuê cuốc mướn kiếm sống và chăm sóc cây khế. Đến mùa, khế ra hoa kết trái nhiều vô kể. Bỗng một hôm có một con chim đại bàng bay đến đậu lại trên cây khế. Nó ăn hết trái này đến trái khác. Người em buồn rầu nói với chim: “Cuộc sống ta chỉ trông nhờ vào cây khế. Chim ăn hết ta lấy gì sinh sống!” Nghe vậy đại bàng liền nói: “Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, đem đi mà đựng!”.
Nghe lời chim dặn, người em may một cái túi ba gang. Hôm sau, đại bàng đến chở người em ra một cái đảo xa tít ở ngoài khơi. Đây là một hòn đảo có đầy vàng bạc châu báu. Người em nhặt đầy một túi ba gang rồi leo lên lưng chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có nhất vùng.
Thấy em mình bỗng nhiên trở nên giàu có, người anh lân la, tò mò hỏi chuyện. Thương anh, người em kể hết sự tình cho người anh hay. Máu tham nổi lên, hắn gạ người em đổi cây khế lấy toàn bộ gia tài của hắn. Người em đồng ý.
Ngày ngày, cả hai vợ chồng người anh canh chừng dưới cây khế. Rồi đại bàng lại đến ăn khế. Người anh giả vờ kêu nghèo kể khổ với đại bàng và cũng được đại bàng nóì những lời như đã nói với người em trước đây. Hắn về nhà bảo vợ may một cái túi mười hai gang.
Sáng hôm sau, đại bàng lại đến và chở hắn ra đảo vàng. Hắn hoa mắt trước vàng bạc, châu báu, ngọc ngà ở đảo nên cố nhét thật đầy cái túi mười hai gang. Chưa thỏa mãn, hắn còn cố nhét vàng vào trong người rồi kéo lê túi vàng leo lên lưng chim. Đại bàng phải vỗ cánh đến ba lần mới cất mình lên được. Khi bay qua giữa đại dương mênh mông, bất thần có một cơn gió mạnh thổi đến vì chở quá nặng nên đại bàng không chịu được sức gió, liền nghiêng cánh hất túi vàng và người anh xuống biển, kết thúc cuộc đời của một kẻ tham lam.
Biến thể 10:
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Người anh bản tính tham lam ích kỉ, còn người em thì hiền lành chất phác. Khi hai anh em lập gia đình, người anh muốn ra ở riêng. Hắn nhận hết nhà cửa ruộng vườn, chỉ để lại cho người em mảnh đất nhỏ với một cây khế.
Người em không một lời ca thán, dựng lều trên mảnh đất ấy và chăm bón cho cây khế. Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường. Cành nào cành nấy cũng trĩu quả ngọt, vàng ruộm. Người em vui mừng chờ đến ngày đem khế đi bán để lấy tiền đong gạo.
Nhưng một hôm, có một con chim lạ rất to từ đâu bay tới ăn khế. Thấy chim ăn trái, người em liền cầm lấy một cây gậy để đuổi chim bay đi. Người em nói:
– Chim ơi, vợ chồng ta chỉ có mỗi cây khế này là tài sản đáng giá. Nay chim đến ăn hết khế của ta rồi, chúng ta lấy gì mà sống.
Bỗng nhiên, con chim cất tiếng nói:
– Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.
Hai vợ chồng người em nghe chim nói tiếng người, cảm thấy vô cùng kỳ lạ. Nhưng anh cũng bảo vợ lấy một chiếc áo cũ may chiếc túi ba gang như chim nói. Hôm sau chim lại tới ăn khế, ăn xong chim bảo người em cưỡi lên lưng. Chim bay đi rất xa, bay qua một ngọn núi cao, qua một vùng biển rộng. Cuối cùng chim đáp lại một hòn đảo hoang chứa đầy vàng bạc và châu báu. Người em lấy đủ vàng bạc vào chiếc túi ba gang rồi lại cưỡi trên lưng chim trở về nhà.
Từ ngày đó, người em trở nên giàu có, vì tiền bạc nhiều mà ăn cũng chẳng hết. Người em lấy một số ra để giúp đỡ những người nghèo trong vùng. Ai ai cũng yêu quý người em vì tính tình tốt bụng lại biết giúp đỡ người.
Người anh thấy người em giàu có bất thường nên mon men sang hỏi chuyện. Người em thật thà kể lại cho anh nghe toàn bộ câu chuyện. Nghe xong, lòng tham nổi lên, anh ta đòi đổi toàn bộ gia tài lấy mảnh vườn và cây khế. Chiều lòng anh, người em cũng bằng lòng.
Vào mùa năm sau, cây khế vẫn tiếp tục sai trái. Một hôm, chim lại bay tới để ăn khế. Vợ chồng người anh giả nghèo giả khổ khóc lóc kêu than, chim bèn nói:
– Ăn một qủa, trả cục vàng, may túi ba gang, mang theo mà đựng.
Người anh mừng quá, giục vợ may luôn túi 12 gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim thần tới đưa người anh đi lấy vàng. Đến nơi, anh ta bị lóa mắt bởi vàng bạc châu báu trên hòn đảo. Dù đã nhét đầy túi rồi, người anh còn cố nhét vàng quanh người. Chim giục mãi anh ta mới chịu leo lên lưng chim để trở về.
Đường thì xa, vàng thì nặng, chẳng mấy chốc chim thần đã thấm mệt. Chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng anh ta vẫn ôm lấy túi vàng không buông. Khi bay qua biển, chim không chịu nổi nữa liền nghiêng cánh. Người anh tham lam cùng túi vàng rơi xuống biển.
Biến thể 11:
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm để lại hai anh em nương tựa vào nhau. Người anh bản tính tham lam, ích kỷ còn người em thì lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn. Khi 2 anh em lập gia đình, người anh muốn chia tài sản và ra ở riêng. Người anh tham lam lấy hết tất cả nhà cửa ruộng vườn, chỉ để lại cho vợ chồng người em một túp lều lụp xụp, trước nhà có 1 cây khế ngọt.
Người em không một lời ca thán, 2 vợ chồng dựng 1 túp lều nhỏ trên mảnh đất ấy và hết lòng chăm sóc cho cây khế. Cũng kể từ đó người anh không lui tới nhà người em nữa. Cây khế năm đó rất sai trái, quả nào quả nấy mọng nước và vàng ruộm. Người em phấn khởi chờ đến ngày đem khế đi bán để lấy tiền đong gạo.
Nhưng có một hôm, có một con chim lạ rất to bay tới ăn khế. Thấy chim ăn khế, người em bèn cầm một cây gậy đuổi đi, người em nói:
– Chim ơi chim, vợ chồng ta chỉ có một cây khế là tài sản. Chim ăn hết khế của ta rồi ta biết lấy gì mà sống?
Bỗng nhiên con chim lạ lên tiếng trả lời:
Ăn một quả,
Trả cục vàng,
May túi ba gang,
Mang đi mà đựng.
Hai vợ chồng người em nghe chim nói tiếng người thì thấy vô cùng kỳ lạ, nhưng người chồng vẫn bảo vợ may một chiếc túi ba gang như chim nói.
Ngày hôm sau, chim lại đến ăn khế, ăn xong chim bảo người em lên lưng và cõng bay đi. Chim cõng người em bay rất xa, bay qua một ngọn núi, bay qua một vùng biển rộng. Cuối cùng chim đáp xuống một hòn đảo hoang. Trên hòn đảo đầy châu báu, vàng bạc. Người em nghe theo lời chim lấy đủ số vàng bạc, châu báu đựng trong chiếc túi 3 gang rồi lên lưng chim bay trở về.
Từ đó trở đi, gia đình người em trở nên giàu có. Tiền bạc có nhiều, ăn không hết người em lấy ra để giúp đỡ những người nghèo trong làng. Cả làng ai cũng yêu quý người em. Thông tin nhà người em trở nên giàu có tới tai người anh. Người anh bèn tới hỏi thăm thì được người em kể tường tận câu chuyện chim ăn khế trả vàng. Nghe xong, lòng tham trong người anh nổi lên, anh ta bèn đòi đổi toàn bộ tài sản của mình để lấy mảnh vườn và cây khế của người em. Chiều lòng anh, người em đồng ý.
Từ đó, gia đình người anh sống tại túp lều trên mảnh vườn nhỏ và trông đợi vào cây khế.
Vợ chồng người anh trông đợi vào cây khế (Ảnh minh họa)
Một hôm, chim lạ lại bay đến ăn khế, vợ chồng người anh giả nghèo giả khổ than khóc, chim lạ bèn trả lời:
Ăn một quả,
Trả cục vàng,
May túi ba gang,
Mang đi mà đựng.
Người anh mừng quá, giục vợ may túi nhưng không phải 3 gang mà là 12 gang để chờ chim tới đưa đi lấy vàng.
Hôm sau, chim thần tới chở người anh ra đảo hoang lấy vàng. Trên hòn đảo nhiều vàng bạc, châu báu làm hoa mắt người anh. Anh ta tham lam lấy vàng nhét đầy túi 12 gang, không những thế còn cố gắng lấy thêm vàng nhét vào người. Chim thần giục mãi anh ta mới chịu lên lưng chim để trở về.
Chim bay được giữa đường, càng bay càng thấy nặng, chim bảo người anh vất bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh không chịu nghe. Chim dần đuối sức, bay đến giữa biển, vì quá nặng chim lảo đảo, nghiêng cánh khiến người anh cùng tất cả chỗ vàng rơi xuống biển sâu và bị sóng cuốn đi mất. Chim bay đi còn người anh tham lam ôm túi vàng chìm sâu xuống dưới biển.
Biến thể 12:
Thuở trước có hai anh em nhà nọ mồ côi, cha mẹ họ đều qua đời từ rất sớm. Khi người anh đã cưới vợ thì anh ta không còn muốn sống chung với em trai của mình nữa, bởi vậy nên anh ta quyết định cùng em trai phân chia phần tài sản mà cha mẹ để lại cho họ.
Người anh vốn là người có bản tính rất tham lam, vì vậy một mình anh ta chiếm hết số ruộng vườn, nhà cửa cùng trâu bò mà cha mẹ để lại trước khi qua đời, và anh ta chỉ chia cho em trai mình đúng một túp lều nhỏ cùng mảnh vườn hẹp, và trong mảnh vườn ấy có trồng một cây khế ngọt.
Vì người em vốn hiền lành nên nhường nhịn anh trai, chẳng kêu ca một câu nào khi nhận phần tài sản kia. Hằng ngày người em vẫn luôn chăm sóc cùng tưới bón đầy đủ cho cây khế ngọt trong vườn của mình. Đồng thời cũng đi làm thuê làm mướn ở những gia đình giàu có ở khắp nơi để kiếm tiền mà nuôi thân.
Vào một năm nọ thì cây khế ngọt ở trong vườn nhà người em đột nhiên sai quả rất bất thường, cả cây cành nào cũng nặng trĩu những trái ngọt và vàng óng. Khi người em trông thấy cây khế của mình chăm bón sai trĩu thì trong lòng cũng phấn khởi vô cùng, thầm tính đến chuyện sẽ đem khế đi bán đổi lấy tiền mà đong gạo ăn.
Vào một ngày kia, từ đâu xuất hiện một con chim Phượng Hoàng bay tới cây khế ngọt của nhà người em để ăn quả. Trông thấy chim mổ hết khế trong vườn thì người em lập tức đem gậy ra để đuổi chim, anh nói:
– Này chim kia! Ta chỉ có duy nhất cây khế sai quả này, ta đã bỏ công khó nhọc mà chăm bón nó ngày đêm chỉ đợi đến ngày thu quả. Nay ngươi lại đến ăn hết những quả khế kia thì ta lấy gì đi bán mà đong gạo đây. Nếu như ngươi muốn tới ăn quả thì phải đem trả cho ta thứ khác có giá trị một chút mới được.
Con chim Phượng Hoàng ấy vừa mải mê ăn khế vừa quay ra đáp trả:
– Ăn một trái, trả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng.
Người em nghe được lời chim nói thì cũng yên tâm phần nào nên mới để kệ cho chim thỏa thích ăn khế ngọt trên cây nhà mình. Vài ngày sau, vẫn con chim Phượng Hoàng hôm trước bay đến để ăn khế ngọt. Khi đã ăn no nê rồi thì chim mới bảo người em cầm theo túi ba gang rồi chim sẽ chở bay đi lấy vàng trả tiền khế nó đã ăn.
Chim Phượng Hoàng chở theo người em ở trên lưng mà cứ bay mãi, nó bay qua những ngọn núi cao hùng vĩ, lại bay qua cả biển lớn mênh mông, sau đó đậu xuống hòn đảo mà trên đấy đầy rẫy những vàng bạc cùng châu báu lấp lánh.
Người em nhìn thấy hòn đảo thì vô cùng ngạc nhiên, liền đi xung quanh ngắm nghía một chút cho thỏa thích. Sau đó mới đem vàng nhét vào chiếc túi ba gang đã đem đi từ nhà. Khi chim Phượng Hoàng kêu người em hãy lấy thêm chút vàng nữa nhưng người em lại nhất định từ chối, bảo rằng mình đã lấy đủ rồi. Khi người em đã lấy được vàng, chim Phượng Hoàng lại chở anh trên lưng và bay trở lại nhà.
Kể từ ngày đó trở đi, người em bây giờ đã có rất nhiều vàng bạc, đã trở thành một người giàu có. Nhưng vì bản tính vốn hiền lành và tốt bụng, tuy có nhiều vàng bạc nhưng anh lại không hề tham lam, anh đem tiền đi mua thóc mua gạo, còn đem cả tiền đi giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ khác nữa.
Khi người anh biết tin em trai của mình được chim Phượng Hoàng trả công khi cho nó ăn khế bằng việc chở đến đảo vàng bạc lấy tiền thì liền sang nhà em chơi, sau đó anh ta đòi người em tráo đổi nhà cùng ruộng vườn cho mình bằng được mới thôi. Thấy anh trai cứ nằng nặc muốn đổi nên người em cũng đành vâng lời, đem cây khế ngọt của mình cho anh trai, rồi nhận lấy vườn tược cùng nhà cửa.
Thấy người em đã đồng ý đổi nhà cho mình, người anh vô cùng hí hửng như mở cờ trong bụng. Vì vậy lập tức trở về nhà kêu vợ sửa soạn đồ đạc để chuyển sang căn nhà cũ của người em, và chờ mong cho tới mùa khế năm sau chim Phượng Hoàng kia sẽ bay tới ăn khế rồi đưa anh ta đi lấy vàng.
Năm sau, khi mùa khế đã đến, đúng như dự đoán của người anh, cây khế trong vườn năm nay cũng vẫn sai trĩu và chín vàng. Và con chim Phượng Hoàng ngày nào cũng lại bay tới để mà ăn khế ngọt. Khi thấy chim thì người anh bắt đầu giở trò kể nghèo kể khổ rồi khóc than với chim. Khi chim nghe vậy thì liền bảo người anh:
– Ăn một trái, trả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng.
Nghe chim kêu vậy thì người anh vô cùng mừng rỡ, anh ta lập tức sai vợ mình may lấy một chiếc túi mười hai gang để anh ta mang đi nhặt thật nhiều vàng. Chẳng khác người em là bao, mấy ngày hôm sau chim Phượng Hoàng lại bay tới và giữ đúng lời hứa là chở người anh ra đảo vàng để nhặt vàng trả tiền khế nó đã ăn.
Khi vừa đặt chân lên đảo thì người anh đã vội vội vàng vàng vơ vét thật nhiều vàng, nhét đầy vào chiếc túi mà anh ta mang theo. Không chỉ vậy, túi đã đầy thì anh ta lại bắt đầu nhặt vàng đem nhét vào xung quanh người, bởi vì bản tính của anh ta vốn rất tham lam, không bao giờ cảm thấy đủ cả.
Mọi chuyện đã xong xuôi đâu vào đó thì chim Phượng Hoàng mới chở người anh bay trở về. Tuy nhiên thì túi vàng mà anh ta đem theo lại quá nặng, chim đã bảo anh ta mấy lần rằng đem vàng vứt bớt đi nhưng anh ta nào có chịu nghe, mà cứ cố giữ khư khư cái túi ấy bằng được. Vừa nặng vừa bực, chim Phượng Hoàng liền nghiêng cánh một cái, người anh tham lam ôm theo túi vàng đầy đã bị hất xuống đáy biển sâu mất tích.
Biến thể 13:
Ngày xưa có hai anh em, cha mẹ mất sớm, người anh tham lam đã lấy hết của cải, tài sản và chỉ cho người em một túp lều nhỏ với một cây khế. Để kiếm sống, hàng ngày người em vừa phải lao động vất vả, vừa hái khế ra chợ bán mong muốn có thêm một khoản tiền để chi tiêu. Nhưng một ngày khi vừa ra vườn thì người em bắt gặp một con chim Phượng Hoàng đang dùng mỏ để ăn những quả khế lớn nhất, ngon nhất. Người em vốn nhân hậu nên không lỡ đuổi con chim đi mà chỉ ôm mặt khóc lóc, nói với con chim: “Nhà ta nghèo, miếng ăn chỉ trông chờ vào cây khế ấy thôi, giờ mày ăn hết tao phải làm sao đây”.
Con chim Phượng Hoàng bỗng dưng cất tiếng nói “ Ăn một quả trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”, ban đầu người em cũng rất bất ngờ vì con chim biết nói tiếng người. Nhưng chưa để người em thắc mắc thì con chim Phượng Hoàng đã bay đi mất. Nhớ lời dặn dò của con chim, người em dùng những mảnh vải thừa để may thành một cái túi ba gang. Đúng ngày hẹn, ba ngày sau con chim Phượng Hoàng xuất hiện, người em ngồi trên lưng của chim để nó đưa đi. Chim Phượng hoàng bay qua đại dương mênh mông để đến một hòn đảo xa lạ. Từ xa hòn đảo đã lấp lánh những thứ ánh sáng rực rỡ.
Khi đặt chân xuống hòn đảo, người em phát hiện ra rất nhiều vàng, cả một núi vàng tỏa ra thứ ánh sáng lóa mắt. Nhặt vàng vào cái túi ba gang thì con chim Phượng Hoàng lại đưa người em về nhà.Từ đó người em trở nên giàu có, với tấm lòng nhân hậu của mình, người em thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn, nghèo khổ. Thấy người em bỗng nhiên giàu có, người anh tham lam lân la đến bắt chuyện. Nghe người em kể, người anh gạ đổi tài sản cho người em, và người anh lấy lại cây khế, mong muốn gặp được chim phượng hoàng. Quả nhiên, vài ngày sau chim Phượng Hoàng lại đến ăn khế, người anh giả vờ than khóc thì con chim Phượng Hoàng cũng nói may túi ba gang để đựng vàng.
Người anh tham lam đã may túi mười hai gang, vì vậy mà khi lên núi vàng hắn ta đã chất đầy vàng vào túi. Trên đường về vì quá nặng nên chim Phượng Hoàng đã hất cả người anh và túi vàng xuống biển. Người em nhân hậu, tốt bụng nên được hưởng hạnh phúc đến trọn đời.
Biến thể 14:
Ở một làng nọ có hai anh em, người anh thì vô cùng tham lam, người em thì hiền lành chịu khó. Sau khi ba mẹ qua đời người anh lấy vợ ra ở riêng và cố gắng vơ vét hết tài sản chỉ để lại cho người em một cây khế ở góc vườn. Người em bị người anh chèn ép như vậy nhưng không hề nói một lời phàn nàn nào, anh đã dựng túp liều gần cây khế, hàng ngày anh chăm bón cây khế và đi làm thuê để kiếm tiền nuôi thân.
Cây khế càng ngày càng lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả, người em mừng vô cùng. Mấy hôm sau, bỗng dưng có một con chim lạ bay tới cây khế và ăn khế của người em, người em thấy vậy buồn lòng than thở với chim. Chim lạ mới nói lại rằng: “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.
Hôm sau như lời hứa chim đến đón người em tới một hòn đảo có rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em xuống lấy vàng và chỉ lấy vừa đầy túi ba gang rồi lên lưng chim trở về. Người em về nhà dùng số vàng bạc lấy được mang đi đổi lấy lúa thóc để giúp đỡ cho người dân ở trong làng. Thấy người em bỗng có nhiều vàng bạc nên người anh đã âm mưu sang đòi đổi nhà lấy cây khế, lại lần nữa người em đồng ý đổi với người anh mà không một lời phàn nàn.
Cây khế lại sai quả, chim lạ lại đến ăn người anh cũng cố ý than thở với chim. Mấy hôm sau chim đến đón người anh đi đến hòn đảo vàng bạc, vốn bản tính tham lam nên người anh đã lấy rất là nhiều bỏ vào túi sáu gang mang theo. Trên đường về vì vàng bạc quá nhiều, chim bảo người anh vứt bớt nhưng người anh không chịu, chim đã quá mỏi cánh nên đã nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển. Thế là người anh tham lam ấy không còn trở về được nữa.
Ở trên là những biến thể mình sưu tầm được, ở nơi bạn sinh sống có biến thể nào khác không? Hãy chia sẻ cùng mình nhé.